Thursday, January 2, 2014

  • VĨNH XUÂN QUYỀN TÊN GỌI VÀ LỊCH SỬ

     LỊCH SỬ NGUỒN GỐC TÊN GỌI MÔN PHÁI VĨNH XUÂN


    Vĩnh Xuân ra đời vào khoảng hơn 300 năm trước ở Trung Quốc. Vào thời đó, dưới ách đô hộ của triều đình Mãn Thanh, cuộc sống của nhân dân Trung Quốc ( đặc biệt là dân tộc Hán ) vô cùng cực khổ. Các cuộc khởi nghĩa của nhân dân nổ ra ở khắp nơi. Trong các cuộc khởi nghỉa đó có sự đóng góp không nhỏ của các tăng ni Thiếu Lâm tự. Với võ công cao siêu của mình, các nhà sư Thiếu Lâm đã làm cho quân lính triều đình nhiều phen khiếp vía. Để trấn an tình hình, triều đình nhà Thanh đã thẳng tay đàn áp các cuộc khởi nghĩa đó và chùa Thiếu Lâm được coi là mục tiêu đầu tiên. Trải qua nhiều năm ròng, Thiếu Lâm tự bị phá huỷ nhiều lần và phải di chuyển nhiều nơi.

    chùa Thiếu Lâm



    Lần đại nạn thứ ba, chùa Thiếu Lâm Phúc Kiến bị đốt cháy, các nhà sư bị bắt, bị giết gần hết, chỉ còn năm vị sư cao thủ nhất là chạy thoát được. Trong số năm người đó có một ni sư mà sau này tên tuổi của bà mãi mãi được lưu truyền trong sử sách. Sau khi chạy thoát khỏi vòng vây, năm vị sư đã bàn bạc với nhau và thề rằng sẽ mang hết sức mình để khôi phục lại môn phái. Mỗi người đi một phương với tâm niệm trong lòng là phải tiếp tục tập luyện, nghiên cứu để tìm ra phương pháp đào tạo một cao thủ võ thuật trong thời gian ngắn nhất.

    Người phụ nữ duy nhất trong số năm người có biệt danh là "Ngũ Mai lão ni". Sau khi chia tay các huynh đệ của mình, bà tìm đến một vùng núi hoang vu để tu luyện. Thời gian thấm thoat trôi đi. Một hôm, khi đang đi ngang qua một khu rừng, bà trông thấy một con rắn đánh nhau với một con hạc. Con rắn thì khôn ngoan,mềm dẻo; con hạc thì gọn gàng, thanh thoát. Hình ảnh hai con thú đánh nhau làm cho bà bị mê hoặc. Và sau đó, dựa trên sự vận động của những con thú đó, bà đã sáng tạo ra một kỹ thuật chiến đấu mới. Kỹ thuật này được dựa trên đặc điểm nhu thuận của người phụ nữ: mềm mại, khéo léo, nhẹ nhàng,...kết hợp với những vận động của tự nhiên (dựa theo cái hình, thần của các loài chim thú hoang dã ) mà tạo ra. Tinh thần cốt yếu của Vĩnh Xuân quyền là nhu, nhẹ, linh, tĩnh, ...,và nếu nghiên cứu sâu hơn nữa thì ta có thể thấy mọi kỹ thuật cũng như lý thuyết vận động của Vĩnh Xuân đều được xây dựng trên cơ sở thuyết "ngũ hành", nguyên lý "âm dương".

    Sau khi sáng tạo ra kỹ thuật mới, "Ngũ Mai lão ni" đã dày công luyện tập, bổ sung cho hoàn chỉnh kỹ thuật này. Lúc này bà cũng để ý tìm đệ tử để truyền thụ võ công. Cũng vào lúc đó, ở một làng dưới chân núi có cô gái tên là Nghiêm Vĩnh Xuân, con của ông già họ Nghiêm chuyên nghề bán đậu hũ. Ông già họ Nghiêm này vốn trước kia có theo học Thiếu Lâm nên cũng dạy cho con gái mình một chút võ nghệ. Trong làng cũng có một tên cường hào chuyên ức hiếp dân lành.


    Khi Vĩnh Xuân đến tuổi trăng tròn, tên cường hào kia có ý định cưỡng đoạt cô về làm tỳ thiếp. Hai cha con Vĩnh Xuân cố gắng chống lại hắn nhưng không được vì xem ra võ nghệ của hắn cũng khá. Một bữa, khi tên kia đang định bắt cô về nhà hắn thì "Ngũ Mai lão ni" đi qua. Bà đến can ngăn và tỏ ý muốn nhận Vĩnh Xuân làm đệ tử. Cô gái lộ vẻ vui mừng vì có người đến cứu mình nhưng sau đó lại âu sầu nói với bà rằng làm sao để thoát khỏi tên hung thần kia được. Bà bảo cô ra nói với tên kia là hẹn ba tháng sau cô xuống núi mà hắn đánh bại cô thì cô sẽ về làm thiếp suốt đời hầu hạ hắn. Tên kia tỏ máu anh hùng và chấp thuận. Sau đó Vĩnh Xuân theo bà lên núi tập luyện và quả nhiên ba tháng sau xuống núi cô đã đánh bại đôí phương. Từ đó trở đi, vị ni sư đã đem hết bản lĩnh của mình truyền dạy cho cô gái, về phần mình Vĩnh Xuân cũng kiên trì luyện tập để lĩnh hội được những tinh hoa của kỹ thuật đó. Cô cũng là đệ tử duy nhất của "Ngũ Mai lão ni".
    Sau này, Vĩnh Xuân là người có công rất lớn trong việc phát triển môn phái và để tưởng nhớ bà, các đệ tử về sau đã lấy tên Vĩnh Xuân (mãi mãi mùa xuân) làm tên của môn phái.


    Trong các truyền thuyết khác, tên của Chí Thiện Thiền Sư, Miêu Hiển, Phùng Đạo Đức, Trương Ngũ thường được nhắc đến như những người có các đóng góp cho kỹ thuật của môn phái. Các võ sư ở thế hệ sau như Đại Hoa Diện Cẩm, Lương Nhị Đệ, Hoàng Hoa Bảo trong Hồng Hoa Hội, Lương Tán, Hoắc Bảo Toàn, Phùng Thiếu Thanh, Trần Hoa Thuận v.v. là những người đã có công truyền bá và hòan thiện các kỹ thuật Vĩnh Xuân, và được nhắc đến trong hầu hết các phả hệ ở các chi phái. Các bằng chứng về việc Hoắc Bảo Toàn và Phùng Thiều Thanh truyền dạy cho anh em Nguyễn Tế Công và Nguyễn Kỳ Sơn hiện vẫn còn lưu tại Phật Sơn, Quảng Đông, Trung Quốc.
    Môn này đã phát triển ở nhiều nơi trên thế giới, và được biết đến nhiều nhất qua Lý Tiểu Long, người thể hiện công phu Vĩnh Xuân trên màn bạc. Sư phụ ông - Diệp Vấn, được coi là sư tổ của Vĩnh Xuân Hồng Kông - là người có công đào tạo ra một thế hệ học trò đã truyền bá Vĩnh Xuân rộng rãi trên toàn thế giới.

    Hiện nay, theo những nghiên cứu về khảo cổ học của Viện Văn hóa và Khảo cổ Trung quốc, Viện Văn hóa và Khảo cổ tỉnh Phúc kiến, những nghiên cứu về lịch sử, về võ thuật và nghệ thuật kinh kịch Trung quốc cộng với những công trình nghiên cứu của nhiều dòng Vĩnh Xuân khác nhau trên thế giới, trong đó nổi bật nhất là Viện Bảo tàng Vĩnh Xuân (Ving Tsun museum) của dòng Diệp Vấn, chúng ta có thể rút ra các nét chính về lịch sử môn Vĩnh Xuân như sau:

    - Vĩnh Xuân là một môn khoa học chiến đấu được các cao tăng Nam Thiếu Lâm và một vài người còn lại của giới tướng lĩnh quân sự nhà Minh nghiên cứu sáng tạo ra tại Vĩnh Xuân đường, thuộc về chùa Nam Thiếu Lâm ở Bồ Điền (Putian), tỉnh Phúc Kiến.Mục đích của việc sáng tạo ra môn Vĩnh Xuân là để tạo ra một phương pháp chiến đấu hữu hiệu hơn võ thuật Thiếu Lâm truyền thống. Đồng thời, vào thời điểm đó, quân đội Minh triều đã tan rã, nên giới tướng lĩnh quân sự Minh triều và giới lãnh tụ khởi nghĩa cần phải có một phương pháp huấn luyện mới thật hiệu quả, nhanh chóng để trong một thời gian ngắn có thể đào tạo ra một lực lượng chiến đấu đủ sức chống lại quân đội Mãn Thanh thiện chiến.

    - Khi chùa Nam Thiếu Lâm này bị vua Khang Hy đốt vào cuối thế kỷ 17, các cao thủ Vĩnh Xuân thoát khỏi vụ hỏa thiêu đã đổi tên môn phái thành Vịnh Xuân, rút vào hoạt động bí mật và phổ biến môn phái ra quần chúng dưới tên gọi Vịnh Xuân. Truyền thuyết về Ngũ Mai lão ni và Nghiêm Vịnh Xuân được đặt ra để che giấu nguồn gốc thực của môn phái. Chữ Nghiêm đặt trước tên Vịnh Xuân để nhắc về lời thề giữ bí mật của Vĩnh Xuân đường.

    - Khi đổi tên, họ luôn có ý định khi lật đổ nhà Thanh, phục hồi nhà Minh, sẽ dựng lại chùa Nam Thiếu Lâm và đổi tên môn phái trở lại thành Vĩnh Xuân. Dự định này đã không thành sự thật, vì triều đại nhà Minh không bao giờ được khôi phục. Do đó môn phái mang cả hai tên gọi là Vĩnh Xuân và Vịnh Xuân, tùy theo xuất thân và dòng gốc của người thầy phổ biến nó.

    - Bên ngoài Hồng Hoa hội, khi Vịnh Xuân được dạy cho quần chúng, các sư phụ không bao giờ dạy toàn bộ hệ thống như là một Khoa học Chiến đấu hoàn chỉnh được tạo ra từ Vĩnh Xuân đường. Chính vì vậy, nhiều dòng Vịnh Xuân khác nhau đã ra đời, và có nhiều cách hiểu và lý giải công pháp Vịnh Xuân khác nhau.
  • 0 comments:

    Post a Comment

    Copyright @ 2013 Vĩnh Xuân Hà Nội.

    Website thuộc : MR. Lương Trọng Trung Anyno | Internet Technology